Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 - 70.000 người bị chết do bệnh dại, phần lớn được báo cáo từ các nước thuộc vùng nhiệt đới, nơi có tới 3/4 dân số thế giới sinh sống. Ở Việt Nam, bệnh dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố. Chó là ổ chứa virus Dại 96-97%, mèo 3-4%.
Ngày 05/4/2023, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận trường hợp Lỳ Thị L (23 tuổi) trong tình trạng có cơn kích thích, phù 2 chân, sợ gió: Sợ bật quạt... sợ nước: Sợ uống nước, sợ nhìn thấy nước... không ăn uống được, tim nhịp nhanh, sau khi thăm khám được bác sĩ chẩn đoán: Bệnh dại lên cơn (Bệnh dại giai đoạn Tổn thương não). Theo người nhà kể lại, L bị chó cắn từ 2 tháng trước nhưng không đi tiêm phòng. Cách vào viện 4 ngày, người bệnh xuất hiện sợ gió sợ nước, khó thở khi có gió và thấy nước..., không ăn uống được, không đi lại được, sau thời gian ngắn điều trị gia đình người bệnh xin về và đã Tử vong.
Theo Bs.CKI Bùi Quang Thắng – Trưởng khoa truyền nhiễm cho biết: “Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời và nguy hiểm nhất: không phải 100% người bị chó cắn đều bị dại nhưng khi đã có dấu hiệu lâm sàng ( Khi có biểu hiện triệu chứng ) thì tỷ lệ tử vong là 100%. Thời kỳ ủ bệnh: Thường thời gian ủ bệnh dại ở người từ 2-8 tuần, có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài trên một năm hoặc hai năm nên có khi bệnh nhân không nhớ được tiền sử chó cắn hay mèo cào. Đôi khi chỉ là Động vật liếm vào da người bị tổn thương".
Vậy cần làm gì khi bị súc vật cắn:
1. Xử lý vết thương: Rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc, sau đó rửa bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để làm giảm lượng vi rút tại vết cắn. Chỉ khâu vết thương trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần.
2. Bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: Đến trung tâm kiểm soát bệnh tật để được tư vấn, Dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại (HTKD) để điều trị dự phòng tuỳ theo tình trạng súc vật, tình trạng vết cắn, tình hình bệnh dại ở súc vật trong vùng./.