Trong những năm gần đây, trên khắp mọi miền cả nước, những vụ đuối nước thương tâm đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ, tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi và đối tượng chủ yếu là ở các em học sinh. Nguy cơ đuối nước luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là về mùa hè, trời nắng nóng, các em được nghỉ học, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi tự do.
Trong 6 tháng trở lại đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận 4 trường hợp đuối nước nguy kịch đều là trẻ nhỏ; trong đó 2 trường hợp tử vong, 02 trường hợp nặng điều trị ổn định, ra viện.
Trường hợp đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai xung quanh chúng ta, thậm chí ngay cả bản thân; vì vậy ngoài việc trang bị kỹ năng cần thiết khi bơi, những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố thì việc trang bị kỹ năng phản ứng với tình trạng trẻ khi bị đuối nước cũng không kém phần quan trọng;
Để phòng chống đuối nước, đặc biệt là trẻ em các gia đình, cha mẹ cần giám sát con em mình chặt chẽ, không nên cho con em mình tự đi các ao hồ, sông, suối. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ như: sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nâng cao ý thức rèn luyện kỹ năng cứu hộ đuối nước của người lớn.
Nguồn: Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên