• Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp năm 2024
  • Thời gian đăng: 04/05/2024 09:50:11 AM
  • Tăng huyết áp hay cao huyết áp là tình trạng áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao. Một người được xác định là bị tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

    Một số triệu chứng có thể xảy ra ở một người bị tăng huyết áp là: Đau nhức đầu vào sáng sớm; chảy máu cam; nhịp tim nhanh; thay đổi thị lực; ù tai. Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi; buồn nôn, nôn mửa; lú lẫn; hồi hộp; đau tức ngực; run.

    Tăng huyết áp là căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới và đang ngày càng trẻ hóa với những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch khác.

    IMG_9260.JPG

    Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay Việt Nam ước tính có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp tại cộng đồng, tức là cứ khoảng 5 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) có một người mắc bệnh. Tuy nhiên số người được phát hiện và điều trị chưa cao, thậm chí họ còn không biết mình bị bệnh, vì vậy tăng huyết áp được gọi là “Kẻ giết người thầm lặng”

    Nguyên nhân chính gây ra tăng huyết áp bao gồm: Bệnh thận mãn tính, hẹp động mạch chủ bẩm sinh, bệnh này có thể gây ra cao huyết áp ở cánh tay, u hoặc những bệnh khác về tuyến thượng thận; sử dụng thuốc ngừa thai; bệnh của tuyến giáp, có thai, nghiện rượu.

    Một số nguyên nhân cũng góp phần gây ra tăng huyết áp là:

    - Nguy cơ tăng huyết áp tăng cùng độ tuổi, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lên

    - Do tiền sử gia đình (di truyền)

    - Dùng thuốc: Dùng thuốc kháng sinh lâu dài, sử dụng thuốc tránh thai…

    - Ít hoạt động thể lực.

    - Căng thẳng tâm lý

    - Những người thừa cân, béo phì

    - Ăn nhiều muối, đường; chế độ ăn không đủ kali, ăn ít rau quả.

    - Thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá

    - Do tình trạng kinh tế xã hội

    Bởi vậy, việc xác định chính xác nguyên nhân tăng huyết áp và biện pháp điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

    Cần làm gì để phòng ngừa tăng huyết áp?

    Bệnh tăng huyết áp có thể được phòng ngừa hiệu quả và duy trì ở mức lý tưởng nếu như mỗi người dân thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của các chuyên gia y tế:

    + Kiểm soát cân nặng của cơ thể: Luôn duy trì cân nặng lý tưởng, tránh bị thừa cân, béo phì.

    + Chế độ ăn uống khoa học: Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực ăn nhiều rau xanh và trái cây. Giảm ăn muối, hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng

    + Luyện tập thường xuyên:

    + Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn. Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc. Giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.

    Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp năm 2024, với thông điệp: “Đo huyết áp đúng – Kiểm soát huyết áp tốt – Sống khỏe”, mỗi người dân trên 18 tuổi hãy tới các cơ sở y tế để được đo huyết áp, kiểm tra huyết áp nhằm phát hiện sớm theo dõi và tư vấn kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.

     

     

  • Tác giả: Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên
  • Telemedicine (Hội chẩn từ xã) với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mổ cấp cứu tại Bệnh viện ĐK tỉnh Điện Biên