• Khoa Hồi sức tích cực & Chống độc – Nơi ngày đêm giành lại sự sống cho người bệnh
  • Thời gian đăng: 20/02/2023 02:24:08 PM
  • Phải mắt thấy tai nghe, chúngta mới cảm nhận hết bao nỗi nhọc nhằn, áp lực cùng sự bao dung của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực & chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Công việc của họ khẩn trương và hối hả chẳng khác nào cuộc chiến thầm lặng giành lại sự sống cho người bệnh trong từng giây phút.

    Được thành lập từ năm 2009 với tiền đề là khoa Điều trị tích cực & Chống độc. Ngày 18/5/2018 sau 1 thời gian hoạt động khoa được Sở Y tế quyết định đổi tên thành khoa Hồi sức tích cực & Chống độc. Với chặng đường dài 14 năm qua, khoa đã đạt được nhiều thành tựu: trong công tác khám chữa bệnh đã cấp cứu thành công các ca bệnh nặng như uốn ván, sốc nhiễm khuẩn, viêm não nặng, đa chấn thương nặng, viêm tụy cấp, nhồi máu não….Về cải cách hành chính, khoa đã tích hợp 3 phiếu ghi chép của điều dưỡng thành 1 phiếu duy nhất,  từ đó điều dưỡng có nhiều thời gian chăm sóc tốt hơn cho người bệnh. Triển khai đưa xét nghiệm khí máu vào điều trị, mở khí quản sớm với người bệnh có tiên lượng cần kéo dài thời gian điều trị. Khoa cũng là đơn vị đào tạo có chất lượng cho học viên tại viện và đơn vị tuyến dưới, nhiều năm liền được Sở Y tế, UBND khen thưởng.

    IMG_8826.JPG

    Khoa Hồi sức tích cực và chống độc là khoa lâm sàng có nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị và chăm sóc tích cực những người bệnh nặng của khoa Cấp cứu và của các khoa lâm sàng trong bệnh viện chuyển đến. Phối hợp với khoa Cấp cứu tham gia cấp cứu ngoài bệnh viện, tại bệnh viện và hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa khác trong bệnh viện. Mặc dù số lượng bệnh nhân nặng đông, đe dọa tử vong cao nhưng nhân lực cả khoa chỉ có 15 cán bộ, trong đó có 4 bác sĩ và 11 điều dưỡng, điều trị chăm sóc cho 15-20 người bệnh.

    Theo Ths.Bs Nguyễn Thế Dũng – Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: trung bình khoa điều trị cho 15 ca bệnh mỗi ngày, trong đó cao điểm nhất có tới 13 ca thở máy phải huy động thêm máy thở từ các khoa khác chuyển đến để điều trị.

    Liên tục túc trực cạnh người bệnh 24/24 giờ để hội chẩn, xử trí và đưa ra quyết định điều trị phù hợp theo từng diễn biến của người bệnh. Họ sẵn sàng bỏ những bữa cơm đang ăn dở, những giấc ngủ giữa giờ và những khoảng thời gian ít ỏi ở bên gia đình để giúp người bệnh vượt qua giai đoạn nguy hiểm.

    Bên cạnh đó, vì người bệnh đều ở trong tình trạng nặng nên các điều dưỡng phải thay người nhà người bệnh chăm sóc toàn diện cho người bệnh từ việc ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân, thay tã, giúp người bệnh tiểu tiện, đại tiện tại chỗ…

    2effa385ea4d3013695c.jpg

    Vậy đâu là động lực để bác sĩ điều dưỡng luôn yêu nghề, gắn bó với công việc vất vả này, Bs Hồ Duy Khánh chia sẻ: “Đứng trước các ca bệnh nặng, tiên lượng điều trị rất khó khăn, bác sĩ và điều dưỡng đều rất căng thẳng. Nhưng khi mình cứu sống được, chứng kiến tình trạng bệnh được cải thiện hằng ngày, rồi họ được trở về với gia đình, thì mình thấy rất vui vẻ. Đây là động lực chính của các bác sĩ và điều dưỡng để vượt qua khó khăn và tiếp tục nỗ lực hằng ngày

    “Từ khi công tác trong nghành Y, tôi đã gắn bó với khoa Hồi sức tích cực & Chống độc được 14 năm rồi. Đây là khoa điều trị cho bệnh nặng với nhiều loại bệnh khác nhau, người nhà người bệnh hạn chế vào chăm sóc, nên ngoài việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, chúng tôi còn phải chăm sóc bệnh nhân như chính người nhà của mình” CN.Đặng Thị Phượng – Điều dưỡng trưởng tâm sự.

    Dù vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn, áp lực phía trước, song các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa Hồi sức tích cực & Chống độc – Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên vẫn đang cố gắng, nỗ lực từng ngày để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân hơn nữa. Để họ có thể sớm được về đoàn tụ với gia đình./.

  • Tác giả: Linh Trang
  • Telemedicine (Hội chẩn từ xã) với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mổ cấp cứu tại Bệnh viện ĐK tỉnh Điện Biên