Vào 06 giở 22 phút ngày 11/8/2024 ngay sau khi bé G.T.M chào đời, đã được các bác sĩ hồi sức ngay tại phòng sinh, sau đó ủ ấm, thở oxy. Sau khi ổn định các chỉ số sinh tồn, ê-kíp chuyển bé về phòng chăm sóc đặc biệt của Khoa Nhi, nuôi dưỡng bởi máy thở, lồng ấp nhân tạo.
Trẻ được nuôi dưỡng đặc biệt trong lồng ấp tại phòng sơ sinh
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Thị Tâm - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, cho biết: Trẻ M chào đời ở tuần 27, suy hô hấp độ III, cân nặng 01kg được xếp là đẻ non, có nguy cơ gặp các biến chứng cao hơn vì các cơ quan còn quá non yếu, bé không thể tự thở. Ngoài ra, bé còn quá non nớt để có thể bú, nuốt và thở một cách hiệu quả.
Để điều trị và chăm sóc đối với những bệnh nhân như bé M là điều rất khó khăn, từ việc kiểm soát hô hấp, hạn chế nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng bệnh viện; tăng cường cung cấp năng lượng, bổ sung đủ vi chất giúp bé sớm phục hồi và tăng cân đến các kỹ thuật giúp trẻ phát triển xúc giác, kích thích vận động từ sớm
Chị Mài vui mừng đón con về trong vòng tay yêu thương
Với sự nỗ lực, cố gắng, tận tâm điều trị, chăm sóc của gia đình và đội ngũ y bác sĩ sau 25 ngày, trẻ đã qua cơn nguy hiểm, ngày 05/9/2024 trẻ cân nặng 1,3kg tự thở đều, tự bú, tiêu sữa tốt, được ra viện và về với vòng tay chăm sóc của người mẹ và gia đình.
Sau 25 ngày được tập thể y bác sĩ khoa Nhi chăm sóc, điều trị trẻ đã ổn định và ra viện
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Thị Tâm khuyến cáo: “Để giảm thiểu nguy cơ sinh non và những rủi ro do sinh non, các bác sĩ khuyến cáo các bà mẹ cần được chăm sóc thai kỳ cẩn thận, xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ”.
Là một bệnh viên tuyến tỉnh miền núi, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của bệnh viện còn nhiều hạn chế, nhưng trước đó Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cũng đã điều trị, nuôi dưỡng rất nhiều trẻ sơ sinh đẻ non có cân nặng thấp từ 800 gram -1000gram ra viện, hạn chế số trẻ phải chuyển tuyến đem lại lợi ích thiết thực cho ngành y tế và cho sức khỏe của trẻ sơ sinh.