Chấn thương sọ não là một quá trình bệnh lý phức tạp, phù não, tăng áp lực nội sọ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên gia đã có không ít công trình nghiên cứu về vấn đề này để góp phần điều trị cũng như giảm thiểu tử vong, tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân chấn thương sọ não nặng vẫn còn khá cao.
Độ nặng của chấn thương sọ não phụ thuộc vào 2 loại tổn thương: Tổn thương tiên phát do tác động của chấn thương gây ra máu tụ, dập não, cháy máu trong não…..và tổn thương thứ phát như phù não, thiếu oxy, thiếu máu não, toan chuyển hóa ở não…..do sai lầm trong sơ cứu, điều trị hay các rối loạn các cơ quan toàn thân hoặc tại não gây ra, hậu quả là tăng áp lực nội sọ. Áp lực nội sọ là một trong 5 yếu tố tiên lượng độc lập tới kết quả điều trị của bệnh nhân, vì vậy kiểm soát tăng áp lực nội sọ rất quan trọng.
Mới đây Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã ứng dụng phương pháp đo áp lực nội sọ vào theo dõi điều trị bệnh nhân chấn thương sọ não tại buồng thủ thuật. Bệnh nhân L.V.T (43 tuổi) điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn, khi vào viện Glasgow 13, đồng tử 2 bên đều 2mm, miệng nhiều máu khô, mạch 80, huyết áp 115/70 mmHg, Spo2 98% được chẩn đoán: Vết thương lóc da rộng vùng chẩm trái, chấn thương sọ não. Nhận thấy bệnh nhân có nguy cơ chèn ép, tăng áp lực trong sọ, phù não cao, các bác sĩ khoa Gây mê sau khi hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành đặt Catheter vào nhu mô não để đo áp lực nội sọ cho bệnh nhân L.V.T
Để thực hiện được thành công phương pháp đo áp lực nội sọ, bệnh nhân được khám lâm sàng, chụp cắt lớp vi tính, an thần thở máy, đặt catheter vào nhu mô não đo áp lực nội sọ. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật dựa vào tri giác, hình ảnh tổn thương trên chụp cắt lớp vi tính, áp lực sọ não.
Sau kỹ thuật đặt Catheter đo áp lực nội sọ thì cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn gồm mạch, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ... cũng như những dấu hiệu liên quan đến thần kinh. Một số biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật đó là chảy máu, nhiễm trùng gây viêm màng não hoặc viêm não. Vì cần theo dõi cẩn thận sau phẫu thuật để kịp thời áp dụng những biện pháp xử trí cho bệnh nhân.
Theo BS Phạm Duy Hoàng cho biết: “Phương pháp đo áp lực nội sọ không phải phương pháp mới, nhưng trước đây để thực hiện được phương pháp này cần phải thực hiện trong phòng mổ, hiện nay chúng tôi đã có thể thực hiện như một thủ thuật thông thường tại buồng”
Trước kia, khi chưa có phương pháp đo áp lực nội sọ, tiên lượng bệnh nhân chấn thương sọ não chủ yếu dựa vào các yếu tố lâm sàng, đặc điểm hình ảnh cắt lớp vi tính. Khi có các phương tiện đo và theo dõi áp lực nội sọ liên tục, các bác sĩ sẽ đánh giá được sự tăng áp lực nội sọ sớm. Ngay khi chưa có sự thay đổi về lâm sàng hay rối loạn điện giải, tổn thương trên chụp cắt lớp vi tính đã đánh giá được tình trạng bệnh. Áp lực nội sọ bình thường khoảng 7- 15mmHg, nếu áp lực tăng hơn 20mmHg tỷ lệ tử vong và di chứng càng cao.
Vì vậy theo dõi áp lực nội sọ liên tục là yếu tố quan trọng giúp theo dõi, đánh giá hiệu quả các phương pháp điều trị giảm áp lực nội sọ. Giúp các thầy thuốc kịp thời điều chỉnh áp lực nội sọ bằng các phương pháp nội khoa và ngoại khoa thích hợp..
Ứng dụng phương pháp đo áp lực nội sọ làm tăng tỷ lệ sống sót và giảm mức độ nặng của các di chứng cho bệnh nhân cấp cứu thần kinh sọ não.